La Vuông có gì?

La Vuông có thảm thực vật và hệ sinh thái rừng đa dạng; thơ mộng qua những đồi thông, sắc tím của hoa sim, cẩm tú cầu, hùng vĩ với những tán cây cổ thụ, dâu rừng, nguyệt quế,…

Trải nghiệm du lịch sinh thái La Vuông du khách không thể bỏ qua các địa danh như: ngã ba Hòa Bình, vòng cua Đá Lửa, ngã ba Đông Dương, Trường Lũy, sân bay Đồi Thông, bãi Bằng Lạc, hồ Cầu Lầy, Núi Chúa, vườn Dâu, suối Cô Tiên, Cổng Trời, thác Ba Tầng, thảo nguyên Đồng Vuông, Giếng Cổ,

Núi Chúa

Nằm trên cao nguyên La Vuông, có ngọn núi Chúa sừng sững, hiên ngang. Hiện nay được nhà nước quy định là rừng tự nhiên Bảo vệ rừng với diện tích được bảo tồn hiện trên 90ha. Buổi sáng ngày hè, đến với núi Chúa, nhìn lũng sâu dưới chân núi, tầng tầng sương trắng dày đặc che phủ. Phía trên, những làn sương la đà lướt qua sườn núi như một dải lụa mềm mại thướt tha. Trên chóp núi như cái bát úp, những đám mây hình thù kì lạ lượn lờn vờn quanh làm tăng thêm sự bí hiểm và quyến rũ của ngọn núi này. Núi Chúa ẩn chứa trong mình với hàng trăm loài cây và động vật quý hiếm trong danh sách cần được bảo tồn, nhiều loài cây gỗ lớn nguyên sinh như Dẻ, Lim xẹt, Trám giổi, Gió bầu… và cây dược liệu đỗ trọng nam, ngũ gia bì, ba kích, sa nhân… Động vật rừng ở vùng núi La Vuông tương đối đa dạng Heo rừng, Mang, Chồn và có loài đặc hữu đặc hữu như Khỉ đuôi dài… Không chỉ thế, trong lòng của dãy núi sừng sững, hiên ngang còn có những địa danh: Suối Cô Tiên, Thác 3 Tầng, Cổng trời, Vườn Cam, Giếng cổ…

Giải thích về tên gọi Núi Chúa, có một số giả thuyết, vì đây là ngọn núi cao nhất trong dãy núi chạy dọc ranh giới giữa Quảng Ngãi, Bình Định và men lên hướng huyện Kbang (tỉnh Gia Lai). Núi Chúa đứng một mình như cái bát úp, chỉ có một con đường vào núi duy nhất, xung quanh là những vực thẳm thẳng đứng. Đường vào núi hiểm trở, phải luồn rừng, băng suối, vượt hết con dốc này đến con dốc khác. Lên núi, chỉ có một lối mòn duy nhất vừa vặn một người đi; tục danh thường gọi là cửa sinh. Khi lên phải đánh dấu, xuống núi phải theo dấu đó; nếu sơ suất là dẫn tới các khe đá trơn trợt, giữa bạt ngàn cây lá khó tìm được lối ra. Trên núi quanh năm mát dịu, có những trảng đất bằng phẳng có thể trồng trọt.

Khu vực Núi Chúa có hệ thống các con suối lớn, nhỏ được chảy về hồ Cẩn Hậu với dung tích chứa 3,6 triệu m³ nước, nguồn nước này hiện tại chủ yếu phục vụ cho sản xuất nông nghiệp cho vùng hạ lưu. Không gian khu vực hồ có cảnh quan đẹp phù hợp các hoạt động check-in, tham quan.

Suối Cô Tiên

Chuyện kể rằng, ở một làng nọ, người con trai làng nghèo khổ và cô con gái phú ông quyền quý đem lòng yêu say đắm, tuy nhiên vì quá nghèo nên Chàng trai luôn bị đánh đập, rẻ khinh, ngăn cấm. Một ngày kia, vì không cam chịu mất người mình yêu, chàng trai quyết chí rời bỏ làng, với hy vọng tìm đến vùng đất tốt tươi, trồng trọt, dựng lều mong ngày đón nàng về. Chàng vượt bao con dốc, vào rừng sâu tìm lên đỉnh núi cao nhất và ở lại đây. Người con gái, khi biết tin và quyết tâm của người yêu, Nàng xúc động, trốn nhà chạy theo tìm người yêu.

Nàng một mình đi vào rừng sâu, vượt qua bao dốc đá, bao con suối với bao nhiêu sợ hãi và đói khát khi thú dữ luôn vây quanh, thức ăn của Nàng chỉ là trái Sim rừng và nước trong khe đá. Bao ngày tháng cách xa, vượt qua bao hiểm nguy gian khó, tình yêu đã giúp cho đôi trai gái đến gần được với nhau. Nhưng oái ăm thay, khi tìm được đến nơi, Chàng trai vì đói rét đã gục ngã trên rừng. Người con gái xót thương, khóc thảm thiết và gục chết nơi đây, dòng nước mắt của nàng chảy thành dòng suối, dòng suối ấy từ dòng nước mắt tinh khiết của cô gái vì yêu, chung thủy với người yêu, dòng suối mát như món quà quý của Nàng tiên ban tặng tạo cánh đồng trĩu quả nên gọi là: Suối Cô Tiên. Để ghi nhớ mối tình chung thủy./.

Trường Lũy

Trường Luỹ La Vuông nằm trong hệ thống Trường Lũy Quảng Ngãi – Bình Định. Theo các sách sử ghi chép lại, Trường Lũy được bắt đầu xây dựng vào khoảng thế kỷ XVI, khi ông Bùi Tá Hán lãnh nhiệm vụ của triều Lê Trung hưng vào trị nhậm trấn Quảng Nam, nay là vùng đất thuộc Đà Nẵng và các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên. Lúc bấy giờ, để ngăn chặn người thiểu số ở phía tây Quảng Ngãi, ông cho đắp các đoạn lũy đất ở những nơi hiểm yếu và đặt một số đồn/bảo để kiềm phòng. Sử nhà Nguyễn về sau gọi các lũy đất không liên tục này là “Đoạn Trường Lũy”. Tuy nhiên, những cuộc nổi dậy từ miền thượng và các hành động trấn áp từ phía các tập đoàn cai trị phong kiến vẫn kéo dài triền miên. Cuối thời Gia Long, đầu thời Minh Mạng, trong một nỗ lực ổn định vùng đất thượng du phía tây, năm 1819. triều đình Nguyễn đã thuận theo lời tâu của Lê Văn Duyệt, một đại công thần và là một võ tướng tài năng, quê gốc ở làng Bồ Đề, cho phép ông này huy động nhân lực gia cố và nối các “Đoạn Trường Lũy” lại với nhau, dựng thêm nhiều đồn/bảo, hình thành một hệ thống đồn lũy liên hoàn, vắt ngang miền tây tỉnh Quảng Ngãi, chạy từ H.Hà Đông, thuộc phủ Tam Kỳ (nay là vùng đất các huyện Núi Thành, Phú Ninh, Tiên Phước, một phần H.Bắc Trà My và TP.Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam ngày nay) đến phía bắc phủ Bồng Sơn (nay là thị xã Hoài Nhơn, An Lão của tỉnh Bình Định).

Trên địa phận Bình Định, Trường Lũy đi qua địa phận xã Hoài Sơn và huyện An Lão, di tích để lại với bờ lũy hiện còn cao từ 1m đến 3m, mặt lũy rộng từ 1m đến 2m, chân lũy từ 4m đến 6m và có hệ thống đồn/bảo xây dựng dọc theo phía Đông bờ lũy.Lũy được xây dựng chạy men theo chân của dãy Trường Sơn, tuy nhiên, ở một số nơi lũy còn vắt lên cả sườn đồi. Ở những địa bàn bằng phẳng, người ta đắp đất thành lũy, trong khi các chỗ có độ dốc thì được gia cố bằng cách bó đá ở bề mặt lũy. Những đoạn bờ lũy đắp bằng đất hoặc đắp đất bó đá thường là địa bàn cư trú của người dân, việc canh tác, phát triển đường sá cũng như mở rộng địa bàn cư trú đã ảnh hưởng đến trường lũy, những nơi xa dân cư thì lũy được bảo tồn khá tốt.

Tháng 5/2012, Viện Khảo cổ học Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Định khai quật khảo cổ di tích Đồn Thứ dưới chân Hòn Bồ thuộc thôn La Vuông, xã Hoài Sơn, một kiến trúc Sơn phòng đặc biệt của hệ thống Trường Lũy. Theo sử liệu Thứ quân là quân do triều đình trực tiếp quản lý. Có thể, nơi đây là vị trí xung yếu, triều đình đã bố trí lực lượng chủ lực, quân của triều đình trực tiếp trấn giữ: Thứ quân trấn giữ nên gọi là Đồn Thứ. Địa điểm Đồn Thứ có độ cao 500mso với mực nước biển, quy mô kiến trúc 16.000m2, và có cấu trúc khá đặc biệt, chia làm 2 khu: Khu Bắc và Khu Nam, ngăn cách bỡi bờ tường được đắp kiên cố như bờ thành xung quanh đồn và có một cửa thông nhau ở giữa bờ tường.

Bờ thành Đồn Thứ cao từ 2m đến 3m, đắp 2 cấp, cấp trên có bề mặt rộng từ 1mđến 2m, cấp dưới rộng từ 2m đến 4m, chân rộng từ 4m đến 6m, chân móng bờ thành đồn sâu dưới mặt đất hiện trạng khoảng 50cm. Cửa chính ở phía Nam và 2 cửa phụ: Đông, Tây, bờ thành Bắc không có cửa. Trước mặt cửa Nam, cách cửa khoảng 6mcó 2 phiến đá lớn được kê bằng phẳng, phía trước là khoảng sân rộng thấp hơn 50cm. Xung quanh bờ thành đồn có 5 cống thoát nước xuyên bờ thành được xây kè đá kiên cố. 5 tháp canh, 4 tháp bố trí ở 4 góc đồn và 1 tháp ở giữa bờ thành Tây, 4 tháp canh đắp cao hơn bờ thành khoảng 1m và có 2 cấp, được kè đá xung quanh, diện tích tháp canh khoảng 15m2, riêng tháp canh phía Đông-Bắc cao và lớn hơn: cao khoảng 5m và diện tích khoảng 20m2, tất cả 5 tháp canh đều được đắp đường lên tháp từ bên trong đồn, có kè và ốp đá bề mặt.Không giống các đồn khác đã phát hiện với chức năng chủ yếu là quản lý qua lại Đông-Tây; Đồn Thứ có chức năng chủ yếu Sơn phòng, bảo vệ khu vực rộng lớn không đắp bờ lũy khoảng hơn 5km, giữ an ninh cho đoạn đường kinh lý Bắc-Nam xung yếu: La Vuông (Bình Định)– Đèo Ải (Quảng Ngãi)…

Bạn vẫn còn thắc mắc ư?